Rừng quốc gia Cát Tiên kêu cứu

bởi tuonglaivietnam

Tác giả: Nguyễn Đức Hiệp

Rừng quốc gia Cát Tiên là khu bảo tồn sinh thái quan trọng nhất và rừng nguyên sinh đất thấp cuối cùng của vùng Đông Nam Bộ. Rừng quốc gia Nam Cát Tiên ở Lâm Đồng cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km. Đầu năm 2006, Bộ Văn hóa và thông tin chính phủ Việt Nam đã đề nghị lên tổ chức UNESCO để công nhận rừng Nam Cát Tiên là một địa điểm của di sản thế giới. Cho đến hiện nay hồ sơ này đang được cứu xét.

Nhưng với đề án hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, hủy hại hơn 150 hecta rừng để làm hồ chứa nước ngay trong vườn quốc gia, đang được một nhóm lợi ích tập đoàn kinh tế Đức Long Gia Lai cố gắng đẩy mạnh để được thông qua, đi ngược lại với lợi ích quốc gia về di sản thiên nhiên của dân tộc Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung, thì cơ hội Cát Tiên trở thành một di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long chỉ là viễn tưởng không bao giờ đạt dược. Đó là  chưa kể cơ nguy đa dạng sinh học sẽ biến mất vĩnh viễn do hệ quả tác động của hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Ta có thể tưởng tượng là cách đây hơn 200 năm cả Vùng Đồng Nai Gia Định ngày xưa có môi trường như thế với rừng rậm, thú kể cả cọp, cá sấu, dân số rất thưa thớt ít người ở. Nay thì đâu đâu cũng chỉ là nhà cửa, thành phố, đất trồng trọt, con người tiếp tục lan rộng, động vật, thiên nhiên bị khai thác hủy hại môi trường sống. Năm 2010, con tê giác cuối cùng của Việt Nam (tê giác Java, rhinoceros sondaicus annamiticus) ở vườn quốc gia nam Cát Tiên đã bị giết chết. Nếu không bảo vệ rừng nguyên sinh cuối cùng ở Nam Cát Tiên, chúng ta sẽ mất đi di sản, tài nguyên vô cùng quí giá.

Theo luật Đa dạng sinh học của Việt Nam thì quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học là ưu tiên hơn là qui hoạch sử dụng đất để  phát triển kinh tế. Đề án xây đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong Vườn quốc gia Cát Tiên của tập đoàn Đức Long Gia Lai về thực chất là vi phạm luật Đa dạng Sinh học.

Để đến Nam Cát Tiên, ta theo con đường từ Dầu Giây đi Đà Lạt (Lâm Đồng). Vượt qua cửa sông La Ngà đổ ra một hồ lớn gọi là hồ La Ngà và hồ Trị An cung cấp nước cho thuỷ điện ở tháp Trị An, là vào huyện Tân Phú.

Qua sông La Ngà (phụ lưu sông Đồng Nai), trên đường từ Định Quán đến Đà Lạt, qua khỏi khu rừng cây do bà Trần Lệ Xuân trồng trước đây, đến ngã ba rẽ trái đi Tà Lại, rồi từ đó trên con đường nhựa mới xây đến xã Nam Cát Tiên. Trước đây rừng quốc gia Nam Cát Tiên là một phần chiến khu D trong thời kỳ chiến tranh. Từ năm 1983 vì sự xâm nhập và phát rẫy của dân nhập cư, Nam Cát Tiên đã được bảo vệ và trở thành rừng quốc gia (trong thời kỳ chiến tranh và sau giải phóng, thịt thú rừng bị săn bắn được mang đi bán, tiêu thụ ở các làng, thị xã, thành phố quanh vùng cho đến tận Saigon).

Trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên hiện nay có 77 loài thú, 326 loài chim, 82 loài cá nướng ngọt, 40 loài bò sát, 14 cá sấu và loài sống dưới nước và trên bờ và hàng trăm côn trùng. Những loài thú hiếm và quí trong Sách Đỏ Việt Nam ở Nam Cát Tiên gồm có 18 loài thú, 20 loài chim, 12 bò sát và 1 loài sống ở nước và bờ.

Nằm ở phía bắc rừng Nam Cát Tiên là bầu Sấu, một hồ lớn có nhiều cá sấu. Nơi đây được thế giới công nhận là địa điểm rừng ngập nước theo công ước Ramsar năm 2005. Rừng ngập nước có nhiều giống chim quí và hiếm.

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gần đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Ramsar bầu Sấu. Việt Nam là nước ký vào công ước Ramsar và chính phủ Việt nam cam kết và đã có nghị định chính phủ bảo vệ vùng ngập nước Ramsar. Nguy cơ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vi phạm công ước Ramsar sẽ thành sự thật.

Trong rừng Nam Cát Tiên còn có di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hoá Óc Eo, Thủy Chân Lạp. Vào tháng 10,11/1985, ở phía tây bắc Đa The (huyện Đa Huoai) đã phát hiện một khu di tích khảo cổ lớn gồm nhiều gò mang vết tích kiến trúc bằng gạch với nhiều phiến đá có chạm đường viền, có bệ tượng thờ linga, yoni, hình thần Shiva dập nổi trên tấm bạt linga, các cột đá tròn, chân tán đá vuông có hoa văn, một số tượng thần Uma thắng quỷ trâu, rìu đá mài, vòng đồng và gốm cổ. Di chỉ này có thể liên hệ đến văn hóa Óc Eo hoặc Khmer tiền Angkor và văn hóa Champa mang tín ngưỡng thờ thần Shiva. Tuy vậy qua vị trí của di chỉ gần địa bàn cư trú của người Chu Ru và Chăm, ta có thể cho rằng có nhiều khả năng đây là di chỉ văn hóa Champa. Người Chu Ru có ngôn ngữ rất gần tiếng Chăm và được coi là người Chăm miền núi. Họ là tàn tích của người Chăm chạy lên núi sau khi Đại Việt thắng Champa .

Bản báo cáo mới nhất đánh giá tác động Môi trường (ĐTM) của hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng không đề cập đến ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, di tích khảo cổ trong Vườn quốc gia, và cũng không đánh giá tác động đến đời sống dân cư của các người dân tộc trong khu vực. Điều này cho thấy tập đoàn kinh tế chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế của nhóm, bỏ mặt di sản thiên nhiên, họ cũng bỏ mặt cả di sản văn hóa của một nước.

Với 5 đập thủy điện (Đồng Nai 1, 2, 3 4, 5) đã xây dựng trên thượng nguồn và chi nhánh của sông Đồng Nai, thiết nghĩ khai thác như vậy đã đủ nhưng lần này nhóm lợi ích kinh tế cũng không dừng lại và không màng ngay cả đến vùng mà nhiều người cho là di sản thiên nhiên bất khả xâm phạm hay ít nhất được bảo vệ nghiêm ngặt của một nước văn minh: Vườn Quốc gia. Nhưng không, điều này đang xảy ra.

Không kể đứng về phương diện pháp lý và đạo lý, hành động xây đập trong vườn quốc gia đã sai trái ngay từ ý niệm, phản lại tất cả những gì mà chúng ta có về ý niệm bảo tồn, bảo vệ môi sinh và di sản thiên nhiên cho hậu thế.

Các bạn có thể ký vào thỉnh nguyên bảo vệ và cứu vườn quốc gia Cát Tiên, phản đối xây hai đập thủy điện trong VQG Cát Tiên ở đây

http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a#

hay để biết thêm, xin vào các trang

http://boxitvn.blogspot.com.au/2012/08/thu-ban-oc-xin-cuu-lay-rung-quoc-gia.html#more

http://www.boxitvn.net/bai/41764

 

 

2 Trackbacks to “Rừng quốc gia Cát Tiên kêu cứu”

Bình luận về bài viết này