Quý Đỗ – Người Trung Quốc Nghiên cứu Xã hội Công dân

bởi tuonglaivietnam

Tác giả: Quý Đỗ

Tại Trung Quốc, nhiều giới khoa học xã hội đã công khai thảo luận về vấn đề xã hội công dân từ thập niên 1980. Năm 1986, Trung ương Đảng Cộng Sản in tập sách “Hướng dẫn việc Xây dựng Nền Văn minh Tinh thần,” trong đó nhấn mạnh công tác “phát huy ý thức công dân xã hội chủ nghĩa.” Các học giả thấy một cơ hội tốt để bàn vấn đề ý thức công dân, vai trò của công dân. Tạp chí Thiên Tân Xã hội Khoa học (tức báo Khoa học Xã hội tại thành phố Thiên Tân) bàn đến khái niệm xã hội công dân, bắt đầu như một đề tài dịch một từ trong sách của Karl Marx.

Vấn đề được nêu lên là trong tác phẩm “Mười Tám Brumaire” của Karl Marx nói đến “burgerliche Gesellschaft.” Từ lâu, chữ đó vẫn được dịch sang tiếng Trung Hoa là “Tư sản Giai cấp Xã hội,” nghĩa là Xã hội của Giai cấp Tư sản. Trong Thiên Tân Xã hội Khoa học số 4 năm 1986 tác giả Thần Nhạc (神乐, Shen Yue) đề nghị đổi cách dịch chữ “burgerliche;” mà theo ông phải dịch dịch là “thị dân,” không nên gọi là “tư sản giai cấp.” Thí dụ “tư sản giai cấp quyền lợi” dịch lại là “thị dân quyền lợi.” Lý do vì những chữ “tư sản giai cấp” hàm ý xấu, nhấn mạnh đến tính chất “giai cấp bóc lột,” không nói chung về tất cả dân ở thành thị, như nguyên ý của Marx. (Cách đặt vấn đề này cũng giống như Trần Đức Thảo bàn về vấn đề “con người” ở Việt Nam trong thời gian đó, nhưng Giáo sư Trần Đức Thảo nói thuần túy triết lý). Chữ “thị dân,” theo Thần Nhạc, ý nghĩa gần với gốc chữ burger hơn. Mà trong từ “thị dân” được dùng để phân biệt với các nông dân và nô lệ, nó bao gồm cả các nhà tư sản và giới lao động. Hai lớp người tư sản và lao động cùng tham dự vào thị trường, trao đổi tự do và có quyền lợi xung khắc. Cho nên xã hội phải sinh ra một hệ thống pháp luật để phân xử, ấn định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Hệ thống pháp lý này biến các thị dân thành những công dân.

Bài báo này có vẻ được các giới chức trong đảng chấp nhận, được đăng lại trên nhật báo Nhân Dân (24-11-86), chứng tỏ chính sách đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó đã cởi mở đối với các ý kiến dị biệt dù chưa được đảng cho phép trước.

Trong một bài khác viết trên tạp chí Nghiên cứu Triết Học, Thần Nhạc giải thích rõ danh từ burgerliche Gesellschaft mà Marx và Engels sử dụng. Gốc chữ burg dịch sang chữ Hán là “thành bảo” tức là những lâu đài giống như pháo đài nhỏ. Trong tiếng Đức từ burg sau chuyển sang nghĩa là thành thị, nơi mọi người mua bán, đổi trác theo cung cách thị trường. Quan hệ thị trường không nhất thiết là mối quan hệ bóc lột như hàm ý trong những chữ “giai cấp tư sản.” Và thị dân không phải chỉ là giới tư sản. Vì vậy, Thần Nhạc đề nghị sửa lại, hãy dịch burgerliche Gesellschaft là Thị dân Xã hội, nói lối người Việt là Xã hội Thị dân. Cho đến bây giờ, năm 2010, phần lớn các học giả Trung Quốc vẫn dùng từ “Xã hội Thị dân” để dịch từ Civil Society trong tiếng Anh, hay Société Civile trong tiếng Pháp.

Ý kiến của Thần Nhạc khuyến khích hiểu tư tưởng của Karl Mác theo lối mới mẻ. Người ta xác nhận các thị dân có những quyền lợi tương đồng, có quyền bình đẳng trong mọi giao dịch, các quyền này được luật pháp bảo vệ, và giữa họ không phải chỉ có những tương quan kinh tế có tính cách bóc lôt. Cũng theo nghĩa đó, những chữ “quyền lợi thị dân” không áp dụng riêng cho giai cấp tư sản, đó là những quyền mọi công dân trong thành thị đều được hưởng. Khái niệm dân quyền, quyền của mọi công dân, không có tính giai cấp, đã được xác nhận và thảo luận. Hoàng Đạo, trong bài “Vai trò Ý thức Công dân trong Thời đại Xã hội chủ nghĩa” in trên Lý Luận Nguyệt San (số 1 năm 1988) cũng đồng ý là quan niệm “công dân,” tức là cả Ý thức Công dân đều không có tính giai cấp. Mọi công dân có những quyền được luật pháp bảo vệ, đồng thời có những bổn phận đối với xã hội. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ý thức công dân đặt trên căn bản tập thể chứ không phải trên cá nhân chủ nghĩa như trong xã hội tư bản.

Từ “Thị Dân” tức là dân ở thành thị, có nghĩa hẹp hơn những chữ Công Dân, từ “Xã hội Thị dân” cũng vậy. Lưu Chí Quang (Liu Zhiguang) và Vương Tố Lị (Wang Suli) viết trong taïp chí Chính trò hoïc Nghieân cöùu soá 5 naêm 1988 đã đề nghị dùng chữ “Công dân Xã hội,” nói theo lối Việt Nam là “Xã hội Công dân,” để dịch khái niệm Civil Society. Trong bài mang tựa đề “Từ Xã hội Quần chúng tới Xã hội Công dân,” hai tác giả đã nhận xét rằng trong truyền thống Trung Hoa, dưới ảnh hưởng của Khổng giáo, không có khái niệm cá nhân, như tách biệt với xã hội. Nói cách khác, không có cá nhân. Mỗi con người được định nghĩa bởi những tương quan với người khác, trong gia đình, tới bằng hữu, rồi tới quốc gia (Ngũ Luân). Do đó trong xã hội Trung Hoa bên dưới guồng máy nhà nước chỉ có một thứ “quần chúng xã hội” chứ không có những “tự do dân” như ở Tây phương.

“Tự do dân,” tức là những con người tự do với tính cách cá nhân tự chủ, độc lập đối với gia đình và quốc gia; họ có những quyền hạn được luật pháp bảo đảm, kiềm chế quyền lực vô hạn của các chính quyền.  Xã hội Trung Hoa dựa trên Quần chúng trong khi ở Tây phương mới có Xã hội Công dân. Hai chữ “quần chúng” có nghĩa là một đám đông trong đó mỗi cá nhân không đáng kể nữa. Chữ “Quần,” với bộ Dương nghĩa là con cừu, cho thấy hình ảnh một bầy, một đám vô danh. Nói Quần chúng ngầm hiểu có sự phục tùng; còn hai chữ Công dân cho thấy tinh thần bình đẳng, khi mọi cá nhân đều có giá trị như nhau. Chỉ khi nào vai trò tự chủ của cá nhân được thừa nhận thì mới phát triển được ý thức công dân. Đó là khi người dân không nghĩ mình chỉ là một phần tử vô danh trong một đám đông, mà họ phải nghĩ rằng mỗi người là một công dân, có tư cách một cá nhân. Lúc đó ý thức công dân mới phát triển được. Trong xã hội như thế mới bảo đảm được tự do, dân chủ, thay thế lối “lấy người cai trị người” (nhân trị) bằng lối “cai trị qua luật pháp” (pháp trị). (Theo Tân Hoa Văn Trích bộ 11, số 119, năm 1988)

 

Lối thảo luận như trên đã đi hơi xa ngoài lề đường ấn định, ra ngoài khuôn khổ những gì đảng Cộng sản cho phép; cho nên đã có những ý kiến phản công từ phía những người bảo vệ quan điểm chính thống. Hề Triệu Vĩnh (奚兆永, Xi ZhaoYong) thuộc đại học Nam Kinh, trong bài “Thị dân Xã hội Biện tích” đăng trên tạp chí Triết học Nghiên cứu số 5, 1990, đã phê phán những ý kiến của Thần Nhạc. Ông ghi nhận rằng từ “burger” trong tiếng Đức có thể hiểu theo hai nghĩa, là Thị dân hoặc là Giới Tư sản; nhưng trong hầu hết các tác phẩm của Marx và Engels, hai ông dùng theo nghĩa là giới tư sản. Thí dụ, theo tư tưởng của Marx và Engels thì tiếp theo sau chế độ phong kiến là “phương pháp sản xuất tư sản” chứ không ai gọi là “phương pháp sản xuất thị dân.”

 

Giới học giả bảo vệ tư duy chính thức muốn xác định lại cách hiểu Karl Marx theo đúng đường lối. Marx đã mượn từ ngữ “Burgerliche Gesellschaft” của Hegel, mà Hegel (trong cuốn Triết Lý về Quyền – Philosophie des Rechts) cũng chịu ảnh hưởng của Adam Smith và Adam Ferguson. Hegel cũng như Ferguson (trong cuốn “Tiểu luận về Lịch sử Xã hội Công dân” – An Essay on the History of Civil Society, 1767) cho rằng hoạt động kinh tế, tức thị trường, là một phần của Xã Hội Công Dân, bên cạnh các sinh hoạt tư khác. Karl Marx thu nhỏ khái niệm “burgerliche Gesellschaft” của Hegel vào một ý nghĩa hẹp hơn, thuần túy kinh tế, và đưa thêm vào đó tính đấu tranh giai cấp. Tư tưởng của Marx coi “cái gọi là xã hội công dân” chỉ là một “trò bịp” của giai cấp tư sản; vì trong thực tế giai cấp này kiểm soát cả nhà nước lẫn xã hội. Cho nên khi người Trung Hoa dùng chữ “xã hội tư sản chủ nghĩa” để dịch burgerlicher Gesellschaft là họ dịch đúng ý nghĩa nguyên thủy của Karl Marx. Sau những ý kiến đó, người Trung Quốc có khuynh hướng dùng chữ Xã hội Thị dân nhiều hơn chữ Xã hội Công dân.

Sau bài của Hề Triệu Vĩnh kể trên, cuộc thảo luận về xã hội công dân gần như ngưng lại, một phần vì biến cố Thiên An Môn, tháng Sáu năm 1989, khiến mọi người dè dặt hơn. Chờ tới hai năm sau, một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, các học giả ngoại quốc mới đem bàn vấn đề đem khái niệm xã hội công dân áp dụng vào việc phân tích xã hội Trung Quốc như thế nào, trong thời cuối nhà Thanh và thời Dân quốc. Tuy nhiên, sau biến cố Thiên An Môn các học giả người Trung Quốc sống ở nước ngoài lại tham dự vào cuộc thảo luận về Xã hội Công dân một cách hăng hái hơn; sau đó các học giả trong nước Trung Hoa cũng trở lại với vấn đề này.

Trong tạp chí của hội Khoa học Xã hội Trung Quốc, số 5 năm 1994, trang 82-102, Phương Triều Huy (Fang Zhaohui) bàn về hai cách hiểu nội dung chữ Civil Society, ông cũng dùng chữ Thị dân Xã hội để dịch Civil Society. Có thể nói Hội Khoa học Xã hội Trung Quốc nghiêng về cách dùng chữ Thị dân Xã hội cho phù hợp với nội dung Mác xít hơn. Mặc dù danh từ Xã hội Thị dân đã chiếm ưu thế, các học giả trong và ngoài nước Trung Hoa vẫn sử dụng các từ khác: Văn minh Xã hội, Công dân Xã hội, Dân Gian Xã hội; tuy nhiên trong các nước quen dùng chữ Hán không thấy ai dịch Civil Society là Xã hội Dân sự cả.

 

Một đề tài được mọi người ở trong và ngoài nước Trung Hoa chú ý là câu hỏi trong truyền văn hóa Nho giáo có chỗ đứng cho xã hội công dân phát triển hay không. Đa số các học giả nghiên cứu vấn đề này đồng ý với Lưu Chí Quang và Vương Tố Lị rằng truyền thống Nho Giáo không phải là mảnh đất tốt cho việc xây dựng xã hội công dân; nhưng cũng có nhiều người nghĩ khác. Tưởng Khánh (Jiang Qing), viết trong Trung quốc Xã hội Khoa học Quý san số 3 năm 1993, trang 170- 75, nhận xét rằng trong truyền thống Nho giáo có nhiều yếu tố tốt để xây dựng “thị dân xã hội.” Có học giả Trung Quốc chủ trương rằng từ thời Chiến Quốc đã có xã hội thị dân rồi, và nhiều người trong đám thị dân đã đóng các vai trò quan trọng trong chính trị.

 

Trong cuốn “Nghiên Cứu dữ Phản Tư” (dịch tiếng Anh: Research and Reflection) Đặng Chính Lai (Deng Zhenglai, 邓正来), một khoa trưởng và giáo sư “đặc sính” (đặc thỉnh) tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho là khái niệm Xã hội Thị dân khi đặt trong khung cảnh Trung Hoa phải được thay đổi cho phù hợp với môi trường văn hóa Nho Giáo. Ông nhận xét rằng nhiều người, như ở Đài Loan, có khuynh hướng nhấn mạnh đến tính chất đối kháng giữa Xã hội Thị dân và nhà nước. Nhưng theo ông, khảo hướng của Locke nhấn mạnh đến Xã hội Thị dân và lối nhìn của Hegel chú trọng tới vai trò nhà nước, cả hai đều mang tính đối kháng, có phần thiên lệch, một chiều. Khi áp dụng vào xã hội Trung Hoa thì quan niệm của Locke phải được biến đổi cho phù hợp với truyền thống Nho Giáo, trong đó không có sự tách biệt và đối kháng giữa nhà nước và xã hội.

Vương Thiệu Quang (Wang Shaoguang, 王绍光) là một học giả nghiên cứu về xã hội công dân được đào tạo trong các đại học ở Trung Quốc và ở Mỹ. Khi về nước, ông đã tích cực dấn thân trong cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội; đặc biệt là tìm cách giảm bớt cảnh chênh lệch giầu nghèo giữa “bốn nước Trung Hoa” phát triển theo tốc độ khác nhau. Ông nghiên cứu với chủ ý đánh thức xã hội và chính quyền về những vấn đề gây bất công xã hội; thí dụ, sự suy sụp của nền y tế hương thôn, hay quá nhiều tai nạn lao động. Những sự kiện ông nêu ra và những đề nghị của ông đã ảnh hưởng tới các chính sách của nhà nước. Vì vậy, tuy ông chú ý tới sự thành hình của xã hội thị dân nhưng vẫn thấy vai trò của nhà nước là thiết yếu. Trong tạp chí “Nhị thập nhất thế kỷ” (Thế kỷ 21) số 8 năm 1991 Vương Thiệu Quang đề cao vai trò của nhà nước, rất cần thiết trong việc “làm sạch sẽ” xã hội, bảo vệ sự công bằng kinh tế; do đó nhà nước cần can thiệp vào “xã hội thị dân.” Ông cho là phải có những luật lệ giới hạn việc thủ đắc tài sản và san bằng sự chênh lệch giầu nghèo để dân chủ hóa xã hội thị dân. Sau đó, ông hy vọng mới có ngày tiến tới “xã hội công dân,” trong đó quyền lợi cá nhân được quân bình với mối liên hệ xã hội thuộc lãnh vực công, để bảo vệ tính công bằng.

Một người nghiên cứu về Xã hội Công dân đã nổi danh ở Trung Quốc, sau này thường có mặt trên các diễn đàn quốc tế là Trần Khuê Đức (Chen Kuide, 陈奎德). Ông là lớp sinh viên cao học đầu tiên ở Trung Quốc được hướng về nghiên cứu khoa học xã hội vào năm 1977. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ở Thượng Hải rồi dậy liên tiếp tại hai trường đại học ở đó, đồng thời làm giám đốc một Viện Nghiên cứu Văn hóa. Từ giữa thập niên 1980 ông chủ trương biên tập tạp chí Tư Tưởng Gia ở Thượng Hải, năm 1989 ông làm kiến nghị yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị. Trong một bài in tháng Ba năm 1990 Trần Khuê Đức viết rằng việc liên minh giữa các nhà trí thức với các doanh nhân là một bước quan trọng để hình thành xã hội công dân ở Trung Quốc. Ông cho rằng xã hội công dân tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện vào cuối thập niên 1970 từ khi người dân Trung Quốc bắt đầu được làm ăn tự do, khi ông Đặng Tiểu Bình cho phép “làm giầu”. Trần Khuê Đức tin là xã hội công dân sẽ tiếp tục phát triển mặc dù đang bị “bóp nghẹt từ trong nôi.” Ý kiến liên kết giới trí thức và các doanh nhân lại được nêu lên trong thời gian đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu thu nhận giới kinh doanh vào làm đảng viên.

Trần Khuê Đức đã trình bầy những bước tiến để xây dựng Xã hội Công dân ở Trung Quốc, như tản quyền về các địa phương, tách chính trị ra khỏi các doanh nghiệp nhà nuớc, phát triển cc tương quan hàng ngang trong xã hội để giảm tầm quan trọng của liên hệ hàng dọc do chính quyền trung ương nắm trong tay; và sua cùng là cải cách chính trị. Sau vụ Thiên An Môn, ông bị cưỡng bức lưu vong, từ đó được mời làm việc với Đại học Princeton ở Mỹ, thường tham gia phong trào vận động dân chủ cho nước ông.

Trong cuốn “Đương đại Trung Quốc đích quốc gia dữ xã hội quan hệ” ấn hành năm 1992, Trần Khuê Đức chủ trương rằng từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, đã có một thứ “lãnh vực tư” trong xã hội. Đó là khi các tay Du hiệp liên kết với nhau, hoặc các nhà Nho tụ tập thành trong các trường tư. Cả hai hình thức tập họp đó tạo ra những mối quan hệ theo hàng ngang chứ không chỉ theo hàng dọc như giữa chính quyền và dân chúng. Trong các tập hợp tư như vậy, người ta thành lập các nhóm, trao đổi ý kiến, phát huy tinh thần cạnh tranh ngay trong phạm vi tư tưởng, vượt qua biên giới các nước chư hầu (một thứ “toàn cầu hóa” trong lục địa Trung Hoa trước đây 25 thế kỷ). Đó là một mầm mống cho sự hình thành Xã hội Công dân. Trần Khuê Đức định nghĩa Xã hội Công dân rất rộng rãi, bao gồm cả các xí nghiệp tư, các đại học, báo chí, công đoàn, các giáo hội, và tất cả các tổ chức đứng ngoài, độc lập với guồng máy nhà nước.

 

Nhiều tác giả người Trung Hoa ở nước ngoài và ở Hồng Kông, Đài Loan cũng tham dự vào cuộc thảo luận trên. Ở Đài Loan nhiều người đã dịch Civil Society là “Dân gian Xã hội.” Trong lục địa Trung Quốc, Châu Anh cũng dùng cách dịch này, khi viết trọng Nhị thập nhất thế kỷ (Thế Kỷ 21 số 3 năm 1990), nhận xét về vai trò của “nhà nước” đời Nhà Thanh có ảnh hưởng trong việc phát triển “Dân gian Xã hội” khi một tầng lớp thương nhân mới ra đời. Trong một tuyển tập gồm nhiều tác giả với đề tài “Từ Dân chủ Vận động đến Dân chủ Chính trị” xuất bản ở Hồng Kông năm 1993, Cam Dương (甘 陽, Gan Yang) đã phê bình “Dân gian Xã hội Quan niệm.” Ông cho là sử dụng từ “Dân gian Xã hội” (đọc lối Việt Nam là xã hội dân gian) không đúng vì từ này nhấn mạnh đến sự tách biệt giữa quyền lợi của người dân và quyền lợi của quốc gia. Ông chủ trương nên dùng chữ Công dân Xã hội, trong khái niệm này các quyền lợi chung của người dân cũng thuộc vào trách nhiệm của quốc gia.

 

Một người được nhắc tới nhiều trong số các học giả ở nước ngoài là Mã Thụ Nhân (Ma Shu Yun, 馬樹人), giáo sư Đại học Trung Văn tại Hồng Kông; ông tiếp xúc với nhiều học giả và văn nghệ sĩ Trung Hoa lưu vong, đặc biệt những người cộng tác với Đại học Princeton như Trần Khuê Đức. Mã Thụ Nhân đã viết một bài kiểm điểm các cuộc thảo luận, nghiên cứu về Civil Society ở Trung Quốc, đăng trên China Quarterly số 137, năm 1994, trong đó ông ghi lại những bài nghiên cứu về xã hội công dân ở trong lục địa. Một trong số những học giả sống bên ngoài Trung Quốc nổi tiếng sớm nhất có lẽ là Lưu Tân Nhạn (Liu Binyan, 刘宾雁), một nhà văn, cựu nhân viên nhật báo Nhân Dân. Ông đã nổi tiếng từ thời 1956 với những truyện ngắn phê phán guồng máy thư lại và kiểm soát báo chí. Vì thế, ông bị gắn nhãn hiệu “hữu phái” rồi bị trục xuất khỏi đảng. Được phục hồi năm 1960, chín năm sau ông lại bị nhốt trại lao cải. Năm 1978 ông được phục hồi đảng tịch và làm báo trở lại. Cuốn truyện “Người hay Yêu quái” (Nhân Yêu Chi Gian, 1979) và tập tiểu luận “Lòng Trung thành thứ hai” (Đệ nhị chủng Trung thành, 1985) làm cho ông thêm nổi tiếng. Năm 1987, ông lại bị trục xuất khỏi đảng Cộng sản lần nữa; năm sau ông sang Mỹ dậy học, rồi không được về nước vì đã lên án chính phủ Bắc Kinh về vụ Thiên An Môn. Trên tạp chí Journal of Democracy (Mùa Xuân 1991), Lưu Tân Nhạn ca ngợi giới trí thức Đông Âu đã cố gắng phát triển xã hội công dân trong nước họ để trở thành đối lực với nhà nước và đảng cộng sản. Ông đề nghị người Trung Quốc rút kinh nghiệm đó mà thiết lập các tổ chức độc lập như công đoàn tự do, từ đó xã hội công dân sẽ mạnh hơn.

Nhưng Trung Quốc có thể sử dụng các kinh nghiệm của Âu châu được hay không? Nhiều người Trung Quốc lưu vong tỏ ý nghi ngờ việc áp dụng một mô thức Tây phương, như xã hội công dân vào Trung Quốc. Tô Vĩ (Su Wei, 苏伟) , mặc dù cũng thấy xã hội công dân cần được phát triển, lại tỏ ý dè dặt về chuyện này, và chủ trương hãy tìm những mô hình mới nhưng lấy ý tưởng từ trong truyền thống Trung Quốc. Đây là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.Trong các thập niên 1980, 90, khi chính phủ Singapore kêu gọi phát triển xã hội công dân ở quốc gia nhỏ bé này, các nhà nghiên cứu gốc Trung Hoa tại Tân Gia Ba quan tâm nhiều đến câu hỏi về sự thành hình của Xã hội Công dân trong những nước theo truyền thống Nho Giáo. Chính quyền Singapore thường tự coi họ trị quốc theo truyền thống Khổng Giáo, và quan niệm của họ về xã hội công dân khác với thế giới phương Tây. Như nhận xét của Giáo sư Cao Kỳ Kỳ (高奇琦), trường Pháp luật và Chính trị Đại học Hoa Đông, Thượng Hải, trong một hội thảo về đề tài Xã hội Công dân tại trường này, ông thấy rằng hành động thúc đẩy phát triển xã hội công dân của chính phủ Singapore có tác dụng làm cho tiến trình dân chủ hóa ở đảo quốc nhỏ này bị chậm lại. Điều này trái ngược với giả thiết ai cũng tin tưởng từ xưa nay là khi nào xã hội công dân phát triển thì sẽ dân chủ hóa nhanh hơn.

Trong khi bàn về vấn đề này, một đề tài gây thắc mắc nhiều nhất sự mâu thuẫn giữa khái niệm Xã hội Công dân và tư tưởng Nho Giáo. Khái niệm này đặt trên tinh thần tôn trọng cá nhân, một nền nếp trong văn minh Tây phương. Nho giáo có chấp nhận khuynh hướng đề cao cá nhân như vậy hay không? Giáo sư Đàm Lệ Hoành (Sor-hoon Tan, 谭苏宏), Đại học Quốc gia Singapore, chuyên nghiên cứu về Nho Giáo và chế độ Dân Chủ, đã tìm hiểu xem tư tưởng Nho Giáo có thích hợp với Xã hội Công dân hay không. Trước hết,bà xác nhận một điều hầu như ai cũng đồng ý, là Nho giáo chú trọng đến vai trò của con người trong cộng đồng (từ gia đình tới quốc gia và thiên hạ) chứ không đặt trọng tâm vào cá nhân. Đàm Lệ Hoành, sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc trước khi sang Singapore, đã nhấn mạnh rằng trong truyền thống Nho Giáo, cá nhân không bị “cộng đồng” đè bẹp như người ta thường hiểu lầm. Bà nhắc nhở mọi người rằng vấn đề của các xã hội độc tài và toàn trị không phải là “cộng đồng” đè nén các cá nhân trong đó, mà là vấn đề một nhóm cá nhân này đè nén những cá nhân và những nhóm khác, trong lúc nhân danh cộng đồng. Do đó, tính chất đối nghịch của Nho giáo với chủ nghĩa cá nhân theo lối Tây phương không có nghĩa là Xã hội Công dân không phù hợp với truyền thống Nho giáo. Trái lại, Nho giáo còn có thể đóng góp làm cho khái niệm này khi đem thực hành trở nên tốt đẹp hơn. Trong khi ở Tây phương người ta nhấn mạnh đến tính đối nghịch giữ công và tư, giữa cá nhân và tập thể, thì Nho giáo nhấn mạnh tới tính tương đồng của các lãnh vực đó. Có những điều là “tư” trong hoàn cảnh này có thể trở thành “công” trong một hoàn cảnh khác. [Một thí dụ, chúng tôi đưa ra để giải thích ý tưởng này, một đại biểu quốc hội tranh đấu không cho dùng đất đai trong đơn vị bầu cử của mình làm chỗ đổ rác kỷ nghệ có chất độc. Ông, bà đại biểu này đang tranh đấu giành quyền lợi riêng cho đơn vị của mình. Nhưng đối với các cử tri của họ, họ đang lo cho quyền lợi công cộng]. Đàm Lệ Hoành cho là Nho giáo không nhìn xã hội như một tập thể đồng nhất và công nhận xã hội luôn luôn có đối nghịch. Mục tiêu của xã hội công dân là làm sao hòa giải các đối nghịch, mà Nho giáo vẫn nhấn mạnh phương châm “Hòa nhi bất đồng.” Bà Đàm Lệ Hoành tỏ ý nghi ngờ rằng xã hội công dân khó phát triển được ở Singapore khi mà luật lệ còn hạn chế hoạt động của các tổ chức, hiệp hội tư nhân.

何包钢Baogang He

  • Pt. I. Models of Democracy. 1. The radical model of populist democracy. 2. The official model of paternalistic democracy. 3. The liberal model of democracy
  • Pt. II. The liberal model of democracy extended. 4. Human rights, natural rights and limits on rights. 5. The problem of evil and redesigning democratic institutions. 6. The problem of exceptions: a defence of procedural democracy. 7. Infusing a rights-based morality into political institutions
  • Pt. III. Preconditions for liberal democracy. 8. Cultural conditions: dual roles of political culture. 9. Social conditions: dual roles of semi-civil society. 10. Legitimization and democratization in a transitional China. 11. Conclusion: reflections on Chinese democratization

 

参与和协商民主 Tham dự hòa Hiệp thương Dân Chủ

Tô Hiêu Khang (Su Xiaokang, 苏晓康) lại đồng ý với Lưu Tân Nhạn, cho rằng tình trạng xã hội Trung Quốc hiện nay giống các nước Đông Âu trước năm 1989 hơn là giống các nước Á Đông cùng trong truyền thống Nho Giáo. Ông nhận xét rằng ngay từ khi Trung Quốc cải tổ kinh tế thì nhiều lực lượng xã hội đã tách dần ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Những nhóm trí thức độc lập và các doanh nhân mới sẽ là các hạt nhân để nẩy sinh xã hội công dân ở Trung Quốc sau này. Theo Tô Hiêu Khang, xã hội công dân có thể phát triển ở Trung Quốc vì ba lý do: Những tổ chức xã hội cũ như gia tộc, tôn giáo, băng đảng đang làm guồng máy nhà nước suy yếu; tình trạng thờ ơ của người dân đối với chính trị quốc gia; và tình trạng đạo đức trong xã hội suy đồi. Ông nêu lên con số 1,800 “hội kín” (tổ chức bí mật) mà chính phủ Trung Quốc kể ra, trong đó có hội kín với trên mười ngàn người tham dự. Chính Tô Hiêu Khang đã được một tổ chức bí mật giúp trốn ra khỏi nước. Trong khi các băng đảng phát triển khắp nơi thì các tổ chức công khai của giới trí thức hoặc công nhân vẫn không được phép hội họp, không thể thành hình. Trong nước Trung Hoa hiện giờ, Tô Hiêu Khang than, người ta chỉ có thể tụ tập dưới hình thức bất hợp pháp mà thôi.

Trong số những người nghiên cứu về Xã hội Công dân trong lục địa, Giả Tây Tân (Jia Xijin, 贾西津) chuyên tìm hiểu về sự tác động hỗ tương giữa chính quyền và xã hội công dân. Bà chú ý đến các dự án nhằm khuyến khích và phát triển việc các công dân tham gia trong các quyết định của nhà nước địa phương. Bà là một người phụ trách do lường Chỉ số Civil Society Index (CSI) ở Trung Quốc mà bà gọi là Chỉ số Xã hội Công dân, do CIVICUS, cơ quan phát triển quốc tế thực hiện trong 60 quốc gia khác nhau. Giả Tây Tân đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu các Tổ chức Phi chính phủ (NGO Research Center) thuộc Đại học Thanh Hoa, làm công việc nghiên cứu này. Bà đã nhận xét là chính phủ Trung Quốc cản trở sự phát triển của Xã hội Công dân. Họ đã ngăn cấm các tổ chức hạ tầng do tư nhân đề xướng vì họ nghi ngờ những hoạt động ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng sản. Một điểm được Giả Tây Tân nêu lên, là luật lệ của nhà nước Trung Quốc phân biệt đối xử giữa các hội đoàn phi chính phủ (NGO). Những hội được nhà nước chính thức công nhận cho hoạt động, bà gọi là GONGO (government organized NGOs); còn những hiệp hội NGO thật, do dân tự lập nên không được nhà nước công nhận, thì họ phải ghi danh với bộ công thương nghiệp như các cơ sở thương mại. Trong bản báo cáo năm 2006 của Trung tâm, Giả Tây Tân nhận xét rằng từ thập niên 1990, các tổ chức trong xã hội công dân (CSO) ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Cuộc thảo luận về Xã hội Công dân vẫn tiếp tục ở Trung Quốc, và trong số các học giả ở ngoài lục địa. Các nhà nghiên cứu còn chưa dứt khoát đồng ý với nhau về danh từ, phổ thông nhất là những từ Thị dân Xã hội và Công dân Xã hội. Những từ khác dùng để diễn tả khái niệm này như Xã hội Dân gian, Xã hội Văn minh tuy có được nhắc tới nhưng không thông dụng.

Trong tạp chí Trung Quốc Xã hội Khoa học, số 3 năm 2008, Trương Khang Chi (张康之 Zhang Kangzhi) và  Trương Càn Hữu (张乾友 Zhang Qianyou) nhận xét rằng danh từ Công dân Xã hội (公民社会) để dịch Civil Society dễ đưa tới hiểu lầm. Từ này vừa có nghĩa là Thị dân Xã hội (市民社会) và lại có nghĩa là Công Dân Quốc gia (Citizen State 公民国家) tức Nhà nước Công dân; mà theo họ thì cả Nhà nước và Xã hội Thị dân đều do sự phân hóa xã hội tạo thành.

 

Lý Bình (李萍, Ping Li) trong Học Báo của ban Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sư Phạm tỉnh Hồ Nam (湖南師範大學社會科學學報), số 9 năm 2005, đã biện luận rằng khái niệm Xã hội Công dân (公民社会) có thể giúp xây dựng nên một Xã hội Hòa hài

(和谐社会) theo chủ trương của các người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Lý Bình, sau khi nhận xét rằng khái niệm này thường được gọi là Thị dân Xã hội, đã nhấn mạnh đến tính chất tích cực của khái niệm Xã hội Công dân. Danh từ Xã hội Công dân, theo Lý Bình, còn nhấn mạnh tới tính chất tự chủ của mỗi người thị dân trong kinh tế thị trường khi công nghiệp phát triển. Vì thế Xã hội Công dân có thể bồi dưỡng nền chính trị dân chủ và tạo cơ hội cho người dân tham gia vào việc chung. Xã hội Công dân giúp kiến thiết Xã hội Hòa hài theo hai cách khác nhau. Một đằng, Xã hội Công dân giúp nhà nước hiểu biết về sinh hoạt bình thường của người dân; mặt khác, nó phổ biến nguyên tắc sống bình đẳng, mọi người sẽ dùng lý tính để hòa giải các xung đột trong xã hội. Lý Bình cũng cho là Xã hội Công dân còn giúp xây dựng một xã hội hòa hài vì nó tạo ra “đạo đức công dân,” người Việt thường gọi là Tinh thần Công dân.

Việc sử dụng một từ thống nhất để gọi tên khái niệm Civil Society còn chưa đạt được, một phần cũng vì người ta chưa hoàn toàn đồng ý về nội dung của khái niệm đó. Điều này đúng ở Trung Quốc cũng như trong số các học giả khắp thế giới. Từ thế kỷ 18, kể từ khi Ferguson và Hegel bàn về khái niệm này, nội dung của nó đã thay đổi nhiều lần, và cho tới bây giờ cũng vậy. Trong một bài đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội, Paris, số 4 năm 2010, trang 10-23, học giả Trần Hữu Quang đã viết: « … xã hội dân sự là một khái niệm trừu tượng và phức hợp, chứ không phải là một định chế hay một tổ chức có hình hài cụ thể theo một mô hình nhất định nào đó, … ”

Tuy khái niệm này khá phức tạp và biến đổi luôn luôn, nhưng bên trong vẫn có những điều có thể coi là được rất nhiều người đồng ý. Chẳng hạn, Xã hội Công dân chỉ thành hình khi người dân tương đối được tự do, không hoàn toàn bị guồng máy chính quyền hướng dẫn, kiểm soát. Ngay trong các nước độc tài, những mầm mống của Xã hội Công dân có thể đã nẩy mầm khi người dân muốn xác định vai trò tự chủ của mình. Trong một chế độ tự do dân chủ và tôn trọng pháp luật thì Xã hội Công dân phát triển dễ dàng hơn. Như ông Trần Hữu Quang đã viết tiếp : « .. nếu thực sự muốn phát triển một xã hội dân sự lành mạnh, điều tiên quyết và mấu chốt là làm sao xây dựng cho được một nhà nước pháp quyền ».

Nội dung bài trên đây đã được đăng một phần trên Tạp Chí Tia Sáng, xuất bản tại Hà Nội, tháng 5 năm 2006; trong một bài đó tác giả đề nghị nên dùng từ Xã hội Công dân để gọi tên khái niệm Civil Society hay Société Civile bằng tiếng Việt. Đến nay, tác giả này vẫn giữ nguyên ý kiến đó. Danh từ Xã hội Dân sự tuy thông dụng nhưng không diễn tả được nội dung tích cực của khái niệm này. Người Việt Nam khi dùng từ “dân sự” thường để diễn tả những gì không phải là quân sự (chính quyền dân sự, nhân viên dân sự); hoặc về những vấn đề pháp luật không thuộc phạm vi hình sự. Hai chữ Công Dân xác định được vai trò của người dân với tư cách những người có quyền tham dự vào việc nước, như trong các chế độ Cộng Hoà. Từ “Xã hội Công dân” diễn tả được ý nghĩa tham dự mà khái niệm này đã hàm chứa.

 

Quý Đỗ

 

Bình luận về bài viết này