Làm thế nào để công khai minh bạch—vài kinh nghiệm quốc tế

bởi tuonglaivietnam

Tác giả: Trần Đình Hoành

Nguồn: Theo blog Phản Biện

Khi nói đến tham nhũng và phòng chống tham nhũng, chúng ta thường nghe đến “công khai và minh bạch” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nói gần đây, vì ai cũng biết tham nhũng, như vi trùng, sống trong bóng tối. Thế thì làm sao để có công khai minh bạch?

Hôm nay chúng ta sẽ xem qua 3 phương cách chính dùng trong hệ thống pháp lý của nhiều quốc gia trên thế giới, để bảo đảm tính công khai minh bạch của nhà nước và quan chức nhà nước. Ba phương cách đó là: Luật ánh sáng mặt trời, luật tự do tiếp cận thông tin, và luật về soạn thảo các luật lệ hành chánh.

1. Luật ánh sáng mặt trời (sunshine law)

Sunshine law là luật đòi hỏi tất cả các cuộc họp của các tổ chức chính phủ phải được mở rộng cho quần chúng được quyền vào ngồi dự khán. Vì vậy, hoạt động của nhà nước được gọi là “nhà nước dưới ánh sáng mặt trời” (government in sunshine), và sunshine law còn gọi là “luật họp công khai” (law of open meetings).

Luật này còn đòi hỏi các cuộc họp phải có biên bản chi tiết, và dân chúng có thể đọc biên bản này.

Dưới luật này, các cuộc họp của các tổ chức nhà nước đương nhiên là phải công khai, trừ khi có luật cho phép họp kín về một số vấn đề nào đó, hoặc khi có quan chức yêu cầu họp kín và yêu cầu đó được tổ chức chấp thuận. Khi yêu cầu họp kín, người yêu cầu phải nếu rõ lý do tại sao.

Các trường hợp cho phép họp kín thường là trường hợp liên hệ đến đời sống cá nhân, tuyển chọn hay kỷ luật nhân viên, an ninh, mã số computer, mua sắm địa ốc khi thông tin ra ngoài có thể ảnh hưởng đến giá cả …

Tại Mỹ mỗi tiểu bang có sunshine law riêng của tiểu bang, cộng thêm sunshine law của liên bang.

Đây là links đến Sunshine Law của tiểu bang Missouri của Mỹ, và Sunshine law của chính phủ liên bang Mỹ.

2. Luật tự do tiếp cận thông tin (Freedom-of-information law)

Đây là luật cho phép dân chúng có quyền được xem xét hồ sơ và tài liệu của các cơ quan nhà nước, ngoại trừ khi các tài liệu được cơ quan xem là tài liệu mật. Khi dân yêu cầu tài liệu, tổ chức nhà nước phải cung cấp tài liệu, và có thể tính một số tiền tổn phí photocopy hợp lý.

Theo luật này “gánh nặng chứng minh” (burden of proof) nằm trên vai nhà nước, chứ không trên người dân. Có nghĩa là, người dân không cần phải cho biết mình cần tài liệu làm gì, nhưng khi nhà nước không muốn cung cấp một tài liệu nào đó, nhà nước phải viện lý do rõ ràng, và phải chứng minh được lý do đó (khi người dân đưa cơ qua nhà nước ra tòa, chẳng hạn).

Đây là luật được giới báo chí sử dụng nhiều nhất , để lục tìm thông tin từ các cơ quan nhà nước. Wikipedia liệt kê danh sách 64 quốc gia trên thế giới có freedom-of-information law. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết về luật này trên khắp thế giới bằng các links từ http://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_information_legislation.

3. Luật về thủ tục soạn thảo các luật lệ hành chánh (rulemaking law)

Luật này chi phối thủ tục các cơ quan nhà nước phải tuân thủ khi soạn thảo các qui luật hành chánh, như sắc lệnh, nghị định, quyết nghị, nghị quyết, quyết định, v.v… Luật này thường quy định rằng khi một cơ quan soạn thảo một qui luật hành chánh:

1. nhân dân phải được thông báo về bản thảo qui luật trước khi nó có hiệu lực;

2. nhân dân có quyền góp ‎và cung cấp dữ kiện và tài liệu liên hệ đến qui luật đang được soạn thảo;

3. Nhân dân có quyền xem xét tập hồ sơ liên hệ đến việc soạn thảo qui luật này;

4. Cơ quan nhà nước liên hệ phải phân tích ‎ý kiến và dữ liệu do dân đóng góp;

5. Cơ quan nhà nước phải giữ hồ sơ về những phân tích của mình và về tiến trình của việc tạo qui luật.

Các bạn có thể đọc thêm tại http://en.wikipedia.org/wiki/Rulemaking và từ đó đi đến các links thêm chi tiết.

Câu hỏi lúc này là tại sao đến giờ này, sau 20 năm đổi mới Việt Nam vẫn chưa có các luật này đầy đủ? Việt Nam đã có được tí nào chưa? Ví dụ, luật về thủ tục soan thảo các qui luật hành chánh của ta đã đòi hỏi công khai minh bạch đến mức nào? Và các cơ quan nhà nước đã tiến được bao xa?

Tại sao bao nhiêu tiền chi cho các chương trình cái tổ luật pháp trong bao nhiêu năm nay lại không đề cập đến các vấn đề căn bản này? Các tố chức tư vấn quốc tề về cải tiến pháp lý tại Việt Nam, như UNDP, đã nói đến các đạo luật căn bản này chưa? Nếu chưa thì tại sao? Nếu đã nói thì tại sao ta vẫn chưa có luật? Tại sao ta không hề nghe thấy các thông tin về các việc này ở đâu cả?

Và quan điểm của chúng ta là gì? Tại sao ta chưa có các luật này? Ta không hề biết gì về chúng? Hay là, các luật lệ này chỉ dành cho các quốc gia và dân tộc văn minh, và chúng ta còn kém văn minh nên không cần? Hay vì văn hóa các nước là dân cần biết, và văn hóa nước ta là dân không nên biết và không được biết? Hay ở các nước khác dân là chủ (dân chủ), và ở nước ta dân không là chủ (chủ dân)?

Các câu hỏi trên giúp chúng ta suy nghĩ một tí về vấn đề.

 

2 Trackbacks to “Làm thế nào để công khai minh bạch—vài kinh nghiệm quốc tế”

Bình luận về bài viết này