Vai trò giảng dạy về ý thức môi trường trong nền giáo dục và xã hội công dân ở Việt Nam

bởi tuonglaivietnam

Tác giả: Nguyễn Đức Hiệp
@IVNF-Môi trường

Trong lãnh vực đa dạng sinh học, nhiều động thực vật quí hiếm đi vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng càng ngày bị thu hẹp hay bị săn bắt trong đường giây buôn bán động vật hoang dã (voi, hổ, tê tê, nai, gấu,…). Tê giác đã bị tuyệt chủng trong năm 2010, voi trước kia còn có ở các tỉnh miền Trung và Bình Thuận, nay thì chỉ còn một số rất ít dọc Trường Sơn và trên Tây Nguyên (Dak Lak). Nạn phá rừng lấy gỗ, ngay cả xảy ra ở Vườn quốc gia có kiểm lâm, lan tràn khắp nước.

* * *

Kiến tạo một văn hóa tôn trọng thiên nhiên, coi trọng giá trị của sự bảo tồn bảo vệ môi trường trong xã hội là một sự kiện đã và đang xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Bài học qua nhiều kinh nghiệm đã trãi qua trong sự phát triển ở nhiều nơi cho thấy, phát triển kinh tế phải đồng bộ và không gây tác hại ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, môi trường sống và tài nguyên có hạn trong vùng là chính sách tốt nhất và bền vững về lâu dài cho cộng đồng và người dân ở nước đó.

Trong bài ngắn này tôi muốn nêu ra hai điểm cơ bản, có thể được coi là gốc cho sự thuận lợi giải quyết về lâu dài những vấn nạn trong sự bảo vệ môi trường và môi sinh ở Việt Nam. Đó là giáo dục về tư duy môi trường và sự hiện diện của một không gian xã hội công dân trong đó ý thức và trách nhiệm về môi trường sống của mình được thấm nhuần và thể hiện được.

Sự cần thiết về giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục đã được chính phủ lưu ý đến nhưng sự thực hiện không nhất quán, đồng bộ và sâu rộng. Và phạm vi mở rộng cho các đoàn thể dân sự hoạt động trong lãnh vực môi trường vẫn còn giới hạn. Vì thế để có một giải pháp lâu dài trong tương lai, chúng ta nên trực diện và xử lý hai vấn đề trên một cách quyết đoán hơn.

Trước hết ta hãy điểm sơ qua về tình hình môi trường và hiệu quả bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học của chính phủ và các tổ chức dân sự ở Việt Nam.

(1) Khuôn khổ pháp lý quản lý môi trường Việt Nam

Môi trường chỉ được chú ý nhiều ở Việt Nam trong thập niên 1980. Sau chiến tranh, hệ quả môi trường ở nhiều nơi chủ yếu là rừng bị tàn phá và ảnh hưởng của chất khai quang. Vấn đề môi trường chỉ giới hạn trong phạm vi trện. Nhưng cùng lúc với sự đổi mới, cởi mở và phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp sau năm 1987 là những ảnh hưởng tác hại tiêu cực đến môi trường và qua đó nhân dân và chính phủ mới thấy sự cần thiết của sự bảo vệ môi sinh.

Luật bảo vệ môi trường đã được ra đời vào năm 1993. Sau đó vào năm 2005 được bổ xung với Luật bảo vệ môi trường (bổ sung) 2005. Quan trọng trong bộ luật 2005 là trước khi có kế hoạch hay dự án công trình phát triển ở địa phương thì phải có bảng báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược (Strategic Environment Assessment) hay ít nhất là có bảng nghiên cứu báo các Đánh giá tác động môi trường (ĐTM, Environment Impact Assessment). Trách nhiệm thực thi Bộ luật môi trường là nằm ở Bộ hay Sở Tài Nguyên và Môi trường quản lý với Tổng cục môi trường (National Environment Agency) và chi cục ở địa phương (tỉnh hay thành phố) thực hiện.

Quan trọng trong bộ luật môi trường là điều 18 (trích sau):

Điều 18 – Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

1. Chủ các dự án sau đây phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường :
a) Dự án công trình quan trọng quốc gia ;
b) Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử – văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng ;
c) Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ ;
d) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề ;
đ) Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung ;
e) Dự án khai thác, sử dụng nước ngầm, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn ;
g) Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài luật bảo vệ môi trường, vào năm 2008 Quốc hội đã chấp thuận và đưa ra bộ luật về Đa dạng sinh học (Biodiversity Law). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo tồn các loài động và thực vật như điều 1 đã nói rõ:
“Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.”

Luật đa dạng sinh học ra đời do sự đòi hỏi khẩn cấp từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước về sự xuống dốc và nguy cơ biến mất tài nguyên rừng, sự tuyệt chủng của các động thực vật quí hiếm mà có nhiều loài là đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam.

Ngoài ra Việt nam cũng là nước đã phê chuẩn các luật quốc tế liên quan đến môi trường như Ramsar (Convention on Wetlands, Công ước về vùng đất ngập nước), CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp).

(2) Đánh giá

Nói chung Luật môi trường Việt Nam 2005 cho phép quá trình Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) đạt được kết quả có thực chất dựa vào nguyên tắc phát triển bền vững.

Nhưng vấn đề là quá trình ĐTM có được thực thi đúng như vậy không trên thực tế. Hiện nay Việt Nam không có tòa án môi trường và sự tham gia và vai trò của công chúng hay các tổ chức phi chính phủ rất giới hạn. Vì thế có những dự án và công trình đã có những vi phạm trong lúc khai triển hay hoạt động nhưng vì không có tòa án môi trường (Environment Court) và không có tổ chức phi chính phủ bản địa nào đủ mạnh để, dựa theo luật pháp, mang vấn đề ra, xem xét lại quyết định. Một thí dụ là dự án và công trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Trong lãnh vực đa dạng sinh học, nhiều động thực vật quí hiếm đi vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng càng ngày bị thu hẹp hay bị săn bắt trong đường giây buôn bán động vật hoang dã (voi, hổ, tê tê, nai, gấu,…). Tê giác đã bị tuyệt chủng trong năm 2010, voi trước kia còn có ở các tỉnh miền Trung và Bình Thuận, nay thì chỉ còn một số rất ít dọc Trường Sơn và trên Tây Nguyên (Dak Lak). Nạn phá rừng lấy gỗ, ngay cả xảy ra ở Vườn quốc gia có kiểm lâm, lan tràn khắp nước.

Tình hình thực tế cho thấy có một khoảng cách lớn giữa hành động và lời nói. Lực lượng trong công tác thực thi bảo vệ môi trường không được đầu tư đầy đủ và đáp ứng được trước vấn đề quá lớn lao. Nhưng nguyên do chính là tư duy phát triển bền vững không có rễ và cơ chế hiện tại vẫn còn thể hiện sự thiếu tầm nhìn lâu dài.

Ta cũng có thể thấy là còn rất nhiều bất cập trong các vấn đề nổi cộm hiện nay như: Săn bắt thú rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã khắp nơi, bất cập trong quản lý các động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Vườn quốc gia, nạn phá rừng ở Trung Nam Bắc, ô nhiễm ở nhiều nơi từ thành thị (khí và nước) đến nông thôn (nước), qui hoạch đô thị, đất đai, khai thác khoáng sản (như bauxite), thủy điện …

(3) Các tổ chức phi chính phủ

Hiện nay có các tổ chức phi chính phủ (Non-Government Organisation, NGO) thế giới có hoạt động ở Việt Nam như Word WildLife Fund (WWF), Fauna and Flora International (FFI), Birdlife International (BI), Wild Life at Risk (WAR). Những tổ chức này đã có các hoạt động tích cực và mang lại nhiều thành quả về bảo vệ môi trường, tạo lập ra nhiều cơ sở hạ tầng giáo dục thông tin công chúng và hợp tác với các cơ quan trong chính quyền trung ương và địa phương giúp thảo hoạch ra các chính sách thích ứng.

Qua sự liên hệ và làm việc chung với các tổ chức phi chính phủ thế giới (INGO) Ở Việt Nam từ nhiều năm qua, chính phủ đã quen dần và có sự thay đổi về cách nhìn và vai trò của các tổ chức dân sự trong xã hội. Trong nước gần đây đã có sự xuất hiện (tuy vẫn còn có giới hạn do cơ chế và khuôn khổ pháp lý hiện nay) các tổ chức phi chính phủ như Trung tâm giáo dục thiên nhiên. http://www.thiennhien.org (Tiếng Việt) và http://www.envietnam.org (Tiếng Anh), http://www.savingvietnamswildlife.org
Thế hệ xanh, tập họp các nhóm trẻ như Câu lạc bộ (CLB) sinh viên và môi trường, CLB đạp xe vì môi trường (www.thehexanh.org).

Mặc dầu các tổ chức phi chính phủ đã có đóng góp trong sự gây ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam, nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Để tiến xa hơn nữa mà tiềm năng vẫn còn nhiều, thì chính phủ nên có và áp dụng chính sách giáo dục về môi trường một cách có hệ thống trong hệ thống giáo dục hiện tai. Để có thể tạo ra một công dân tốt và hữu ích trong xã hội, thì ý thức về quyền hạn và trách nhiệm công dân trong đó bao gồm bảo vệ cảnh quan và hệ môi sinh phải được hiểu rõ và thấm nhuần từ lúc bắt đầu ở tiểu học cho đến ít nhất ở trung học

Và cùng lúc cũng tạo ra một môi trường thuận lợi trong xã hội khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo về môi trường, tức là mở ra một xã hội công dân trong đó người dân được coi như đã trưởng thành trong ý thức và tự họ có trách nhiệm đảm nhận một phần công tác bảo vệ môi trường trong khuôn khổ pháp luật.

(4) Vai trò giáo dục trong tư duy môi trường và phát triển bền vững

Từ tiểu, trung học đến đại học, kiến thức về môi trường như đa dạng sinh học, giá trị kinh tế, dịch vụ mà môi sinh mang lại trong các môn học liên quan (eg. Sinh học, địa lý, kinh tế, quy hoạch đô thị ..) là những kiến thức cần thiết trong lãnh vực kinh tế, an sinh xã hội dựa vào sự phát triển bền vững.

Về cơ bản tư duy phát triển bền vững (môi trường + phát triển) là nhận ra được rằng:
(a) phát triển kinh tế và an sinh con người trong môi trường sống là hai yếu tố phải đi đôi với nhau
(b) tài nguyên môi trường có giới hạn
(3) hệ thống sinh học hay môi trường đều có giá trị kinh tế. Định giá trị thực của chúng (thay vì coi chúng như vô tận và ai cũng khai thác, nếu có thể được, như nước chẳng hạn) trong kinh tế là cần thiết để có chính sách hợp với tư duy phát triển bền vững.

Kế hoạch Phát triển bền vững (Ecologically sustainable development) nên được đặt trên nền tảng vào những nguyên lý sau:

– Nguyên lý thận trọng (precaution principle): Khi một hành động hay một chính sách có thể ảnh hưởng tai hại đến môi trường hay xã hội, mà sự hiểu biết khoa học chưa được thống nhất về hệ quả tai hại này thì phải thận trọng không theo đuổi thực hiện nó. Chỉ khi hoàn toàn biết được chắc chắn một cách khoa học qua sự đồng thuận của tất cả là chúng không có ảnh hưởng hay gây nguy cơ tai hại lớn cho môi trường và xã hội thì mới thực hiện.
– Nguyên lý công bình trong một thế hệ (Intrageneration principle): sự phát triển có lợi cho một cộng đồng không thể được phép tiến hành nếu sự phát triển ấy ảnh hưởng làm hại đến cơ sở sinh thái, xã hội và kinh tế của cộng đồng khác mà họ dựa vào để cải thiện mực sống an sinh của họ.
– Nguyên lý công bình giữa các thế hệ (Intergeneration principle): trong sự phát triển hiện nay, chúng ta phải nghĩ đến thế hệ tương lai là làm sao di sản môi sinh, xã hội và kinh tế để lại được tốt đẹp, không bị hủy hoại hao mòn mà thế hệ tương lai có thể dùng và thực hiện được mức sống an sinh bằng hay tốt hơn mức an sinh ngày hôm nay.
– Ba cơ bản không thể thiếu (Triple bottom line): dựa vào 3 giá trị “Con người, trái đất và lợi nhuận” (People, Planet and Profit), tức mọi doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì kinh tế lợi nhuận mà còn vì xã hội, môi trường.

Tư duy triết lý như trên có thể dễ dàng được đưa vào các môn học, thí dụ như trong môn địa lý ở trung học chẳng hạn. Để cụ thể, trong chương trình lớp 12 (HSC) ở tiểu bang New South Wales (Australia) trong môn sinh học và địa lý. Học sinh học về sự quan trọng của bảo vệ và quản lý các hệ sinh thái vì
– Bảo trì đa dạng di truyền và sinh học (genetic/biological diversity): đa dạng di truyền trong một loài sẽ giúp cho loài đó nhiều cơ hội hiện hữu, tránh tuyệt chủng khi có biến cố xảy ra. Thí dụ, duy trì sự đa dạng di truyền của các giống lúa (gạo, mì), hay các cây ăn trái sẽ tránh sự cố sinh học khi một giống đang được dùng bị hại hay biến mất vì môi sinh thay đổi. Ta có thể lai giống dùng các di truyền khác để giảm hệ quả của sự cố này. Cũng vậy đa dạng sinh học với nhiều chủng loài khác nhau qua sự liên đới rất mật thiết của các loài trong một hệ sinh thái, vì thế một loài có nguy cơ biến mất sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài khác. Và cuối cùng là sự đa dạng của các hệ sinh thái (hệ sinh thái rừng nhiệt đới, hệ sinh thái vùng khô, gần biển, trên núi, sa mạc.. đều khác nhau) trong đó mỗi hệ có giá trị đặc biệt và chứa những sinh vật rất đặc hữu. Ngay cả trong một vùng cũng có thể có nhiều hệ sinh thái khác nhau nằm kế cận.
– Chúng có giá trị (utility values) cho con người: hệ sinh thái có lợi ích giá trị cho con người. Nước từ sông rạch, không khí sạch, gỗ từ rừng là cần thiết cho cuộc sống xã hội loài người. Rừng, biển… còn chứa nhiều sinh vật có lợi ích chữa các bệnh, hay có giá trị kinh tế mà y học và con người chưa khám phá hết. Và nhiều thí dụ khác trong các trường hợp nghiên cứu (case studies) về giá trị của môi trường trong môn học kinh tế.
– Chúng có giá trị nội tại (intrinsic values): hệ sinh thái tự nó có giá trị không cần biết nó có giá trị kinh tế cho con người hay không. Mọi sinh vật hay hệ sinh thái trên trái đất đều đặc biệt, và vì thế cần được coi trọng, không bị lạm dụng bất kể nó có lợi cho con người hay không. Đây là ý niệm đạo đức (ethics) về thiên nhiên.
– Chúng có giá trị di sản (heritage values): hệ sinh thái đặc biệt hy hữu có giá trị di sản cho loài người, văn hóa con người ở một vùng thường gắn liền với hệ sinh thái của xã hội đó từ bao đời. Mất nó là một thiệt hại văn hóa to lớn cho một dân tộc, đôi khi nó là biểu tượng tâm linh của dân tộc đó. Nhiều hệ sinh thái nay được công nhận là Di sản thế giới như Vịnh Hạ Long ở Việt nam, Great Barrier Reef ở Úc, v.v…
– Sự cần thiết cho phép sự thay đổi tự nhiên được tiến hành: nên để hệ sinh thái tự nhiên chúng thay đổi và tiến hóa qua thiên nhiên mà con người không nên xen vào. Thí dụ như thay đổi dòng chảy của sông, ô nhiểm sông, nước qua sự lạm dụng thải chất thải, lấp đất làm rẫy hay nuôi tôm ở vùng đất ngập mặn…

Những kiến thức chi tiết như thí dụ trên hiện đã có và dễ dàng mang vào các chương trình học ở nhiều môn trong hệ thống tiểu học và trung học.

Khi đã có tư duy phát triễn bền vững được thấm nhuần trong quần chúng và tiềm ẩn trong mỗi hoạch định hay thao tác trong đời sống xã hội thì không những chúng ta sẽ tự giải quyết được nhiều vấn đề môi trường hiện có và đã xảy ra mà còn mở ra nhiều triễn vọng ở nhiều lãnh vực trong tương lai.

(4) Triễn vọng

Thực hiện được hai mục tiêu như trên (giáo dục tư duy phát triển bên vững và tạo một không gian xã hội công dân) như đã trình bày sẽ giúp xã hội kiến tạo được một nếp sống văn hóa tôn trọng thiên nhiên, giá trị của sự bảo tồn bảo vệ môi trường vì thiên nhiên cũng là di sản văn hóa. Tinh thần thượng tôn pháp luật với cơ chế mà mọi thành phần trong xã hội hiểu biết, và có cơ hội tham dự.

Hệ quả là tư duy như vậy còn cho những lợi ích xã hội khác như nhiều doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm với xã hội và môi trường sống.

Về phương diện kinh tế, tạo một thị trường dịch vụ môi trường, tư vấn về môi trường. Các doanh nghiệp sẽ dễ dàng áp dụng Chuẩn ISO14000, Good Agricultural Practice (GAP) cho thị trường sạch đáp ứng đòi hỏi người dùng trong nước và trên thế giới

Về phương diện giảm khí nhà nóng tránh thay đổi khí hậu, Việt Nam có khả năng hưởng những lợi ích kinh tế và cùng lúc bảo vệ môi trường qua sự tham gia vào các Cơ chế kinh tế mới như Cơ chế Phát triển sạch (Clean Development Mechanism, CDM), Giảm khí thải từ phá rừng và thoái hóa rừng (Reduced Emission through Deforestation and Degradation, REDD), đặc biệt giúp cho các dân tộc ít người, như ở Tây Nguyên, bảo tồn văn hóa và đời sống kinh tế của họ . Những biện pháp và cơ chế phát triển trên phù hợp với trào lưu, tư tưởng của thế giới ở thế kỷ 21

(5) Kết luận

Sự cần thiết của ý thức, kiến thức cơ bản phổ thông về thiên nhiên và môi trường trong đời sống văn hóa, sinh hoạt xã hội Việt Nam. Cơ bản này sẽ tạo một cơ chế hữu hiệu bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn nạn hiện nay. Cơ bản này tốt nhất là thiết lập ở giai đoạn đầu: Giáo Dục. Đó là ý thức và trách nhiệm của một công dân.

Với ý thức cao và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong dân chúng như một phần của văn hóa con người Việt Nam thì sẽ đưa đến sự nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn, môi trường sống.

Điều này đòi hỏi có sự thay đổi, đổi mới trong chính sách giáo dục phổ thông hiện nay. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối diện với những tai họa hay sự cố môi trường xảy ra càng nhiều và những vấn đề càng khó khăn giải quyết trong tương lai.

Từ ý thức và trách nhiệm có được trong văn hóa xã hội, thì người dân sẽ tự đứng ra tạo các tổ chức để thể hiện ý thức và trách nhiệm của mình. Vì thế cũng phải có sự khuyến khích và tạo điều kiện qua pháp luật hay luật mới được ban hành để những tổ chức phi chính phủ có thể được hình thành và hoạt động dễ dàng. Đó là nền tảng của nếp sống văn minh trong một xã hội tiến bộ.

Tham khảo:

(1) Luật đa dạng sinh học (2008), http://www.vietlaw.gov.vn/LAWNET/docView.do?docid=22867&type=html
(2) Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2005, http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/dulieu/lbvmt.htm

Bình luận về bài viết này