Ai bảo Việt Nam không có mẹ hổ?

bởi tuonglaivietnam

Người mẹ đưa con vào khuôn khổ bằng việc suốt ngày kè kè cái thước trước mặt con. (Hồng Anh)

Tác giả: Hồng Anh
Nguồn: bayvut.com.au

Nhiều người sửng sốt trước cách dạy con của mẹ hổ Amy Chua ở nước Mỹ nhưng thực tế điều đó không hoàn toàn quá xa lạ ở Việt Nam và khi “trông người lại ngẫm đến ta”, nhiều bạn trẻ đã thốt lên: “Việt Nam đâu thiếu mẹ hổ?”

Tóm lược
• Sau khi cuốn sách “Battle Hymn of the Tiger Mother” (Chiến ca của mẹ hổ) dày 256 trang tiếng Anh được xuất bản và tạp chí Time số cuối tháng 1/2011 đưa chuyện mẹ hổ lên trang bìa thì cuộc tranh luận về cách dạy con vô cùng nghiêm khắc của Amy Chua (tác giả cuốn sách kể trên – người tự xưng là mẹ hổ) lan ra khắp năm châu.

Giáo dục con kiểu Á Đông: “Thương cho roi cho vọt”
Người Việt vẫn có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, cho nên cách dạy con của Amy Chua không xa lạ với những người mẹ Việt.
Tiến sỹ tâm lý học Ngô Minh Uy cho rằng, sự khác nhau giữa những mẹ hổ ‘made in China’ và những mẹ hổ ‘made in Vietnam’ có chăng chỉ là mức độ khắc nghiệt trong cách dạy con của họ mà thôi.
Vừa trở về từ Pháp với hai tấm bằng đại học về Toán và Công nghệ thông tin sau 8 năm xa nhà, Mai Hương vẫn không thể nào quên được ký ức tuổi thơ với vô vàn ‘luật lệ thép’ mà cha mẹ đặt ra cho mình: Bắt buộc phải học Toán và Tin để nối nghiệp cha, luôn phải đứng nhất lớp đối với hai môn này, không được phép có bạn trai khi còn đang đi học hay chỉ được sử dụng hình thức giải trí duy nhất vào những lúc không học là đọc sách… Chỉ cần vi phạm một trong những điều trên, Hương đều bị phạt bỏ bữa và phải tự động đi lấy roi mây cho cha đánh.
Vẽ tranh sơn mài là niềm đam mê của Hương do từ nhỏ cô thường xuyên được vẽ khi đến thăm ông ngoại là họa sỹ nhưng cô lại không được theo học mỹ thuật và điều này khiến cô cực kỳ oán trách cha mẹ. Cô không phủ nhận những quy định sắt đá của các bậc sinh thành đã khiến mình tập trung cao độ cho học hành để rồi giành được hai suất học bổng toàn phần đi Pháp và được tạm coi là thành công về đường học vấn như hiện nay. Tuy nhiên, việc không được học và làm cái mình thích khiến Hương nghĩ rằng mình chỉ là một con rối trong mắt cha mẹ.
Còn N.H, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, kể về quá trình 14 năm theo học violin của mình với giọng tủi hờn: “Kể từ khi 4 tuổi, cha – một nghệ sỹ violin – đã bắt mình học và tập luyện không ngừng nghỉ với tiêu chí đặt ra là: mình luôn phải đứng đầu khóa về môn này và đến năm 17 tuổi thì phải là thành viên trong dàn nhạc Châu Á. Với mình, chuyện tập đàn, ăn rồi lại tập mà không được vui chơi như bạn bè cùng trang lứa đã thành chuyện quá bình thường trong 14 năm qua và cả việc hằng đêm, tập đến khi tay đã tóe máu nhưng chưa xong bài thì vẫn chưa được đi ngủ cũng vậy.”
Tiến sỹ Ngô Minh Uy nhận định, nhiều gia đình Việt dường như vẫn còn mang nặng tư tưởng Á Đông khi nghĩ rằng thương con thì phải khắc nghiệt và mang kỷ luật thép ra áp dụng với con để chúng đi vào nề nếp. Nhưng về góc độ tâm lý và con người, ở bất kỳ nền văn hóa nào, việc gò ép con người đi vào khuôn khổ, không thể sống với cái yêu thích riêng của mình, không thỏa mãn với lựa chọn riêng đều không tốt cho sức khỏe cho dù được biện minh bằng mục tiêu ‘thành đạt cho con cái’ kiểu Á Đông.

Con của mẹ hổ tức là phải…
“Đã là con của một ‘mẹ hổ’ tức là những việc bạn làm luôn luôn gắn với từ PHẢI. Bạn không được làm theo ý thích của mình mà PHẢI làm theo ý mẹ”, Q.L (19 tuổi, Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ như vậy.
Q.L miêu tả cuộc sống của mình chỉ được gói gọn trong không gian nhà và trường học. L gần như không được đi chơi để đảm bảo luôn dành thời gian cho học tập và nỗ lực dưới sự dẫn dắt của mẹ để đạt kết quả cao nhất. Nguyên tắc của mẹ đặt ra cho L là: Không bao giờ được điểm dưới 8 đối với môn Văn và dưới 9 đối với môn Toán, Lý, Hóa. Mẹ luôn là người đưa đón L đi học, không bao giờ được tự đi hoặc đi cùng bạn. Thời gian để L thư giãn chỉ có thể là ở những buổi sinh nhật của họ hàng, người thân nhưng những lúc đó L luôn phải về trước 21 giờ và một điều tất nhiên, L không bao giờ được qua đêm ở ngoài.
L than thở: “Mình có còn bé nữa đâu. Cuộc sống của mình sao quá áp lực và nặng nề vậy? Mình thích nghệ thuật chứ không thích Toán, Lý, Hóa. Tại sao mẹ không hiểu mình cũng có sở thích, cũng có nguyện vọng và hơn hết là cũng có tự do?”
Còn Hồng Hoa (THPT Chu Văn An) cũng có cuộc sống đặc biệt của riêng mình. Ngày bé, Hoa luôn phải ngồi học bài bên cạnh cái thước may to bản của mẹ, viết sai một nét là bị đánh mạnh một cái vào tay. Mỗi khi mẹ đi vắng, Hoa luôn bị nhốt trong nhà và chỉ có thể nhìn ra ngoài qua song cửa sắt, thỉnh thoảng thấy bạn đi ngang qua thì vẫy lại nói chuyện. Bây giờ, khi đã là một học sinh cấp ba, nếu bị điểm kém, Hoa sẽ bị phạt bỏ bữa ngày hôm sau. Mẹ cũng cấm Hoa giao du với bạn bè, đặc biệt là con trai, trong thời gian đang đi học vì sợ Hoa sao lãng chuyện học hành.
“Còn bao nhiêu nữa những qui định khắc nghiệt, những quy tắc cấm đoán vô cùng sắt đá mà con của một mẹ hổ phải thực hiện. Tại sao con của mẹ hổ thì luôn PHẢI làm cái nọ, PHẢI làm cái kia? Phải đúng, phải thắng, phải nhất, phải hoàn hảo? Để làm thần đồng ư? Đâu phải cứ thành công thì sẽ vững bước trong cuộc sống?”, Hoa tấm tức. Nhiều người có lý khi cho rằng, cách dạy con của những mẹ hổ phần nhiều xuất phát từ việc khát khao muốn trở thành mẹ của một thần đồng hơn là vì con cái.

Người trong cuộc nghĩ gì?
Mặc dù đến nay, những người con ấy đều đã đạt được những thành tích nhất định: Mai Hương trở về với hai bằng đại học danh giá của Pháp; N.H đã có tên trong dàn nhạc Châu Á, tham gia nhiều đại nhạc hội quốc tế và đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới; Q.L đạt giải nhất môn Hóa quốc gia và được tuyển thẳng vào trường Đại học Y Hà Nội; Hồng Hoa vừa nhận được học bổng toàn phần cho bậc đại học tại trường Đại học Quốc gia Singapore… nhưng khoảng cách vô hình giữa họ và cha mẹ mình thì vẫn còn đó.
Thời gian 8 năm vẫn không đủ xóa nhòa khoảng cách tình cảm giữa Hương và cha mẹ. Hương chia sẻ rằng cô không quen được cha mẹ cưng nựng, yêu chiều gần gũi từ nhỏ nên những hành động thân mật gần gũi với cha mẹ như ôm ấp, trò chuyện thủ thỉ là quá xa lạ với cô. Hương giận cha mẹ đã quá cứng nhắc khiến cô cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình.
N.H thì thấy rằng hiện giờ mình lầm lỳ và trơ lỳ với cảm xúc của người khác. H không biết an ủi khi cha mẹ buồn, không biết lo lắng mỗi khi gia đình có chuyện, không biết hỏi thăm khi cha mẹ ốm hay không cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ mà chỉ biết phận sự của mình là tập đàn và tập đàn.
Còn Hoa, tuy không nói rằng khao khát tự do ở ngay trong chính ngôi nhà của mình nhưng với cách nói rằng muốn được đến Singapore học tập ngay tức khắc ngay cả khi thời khắc sum họp gia đình là Noel và năm mới sắp đến thì hẳn ai nghe Hoa tâm sự cũng nhận ra điều ấy.
Trên tạp chí Slate của Mỹ (Slate.com) ngày 9/2/2011, Ray Fisman đã viết một cách dí dỏm nhưng vô cùng sâu sắc: “Nếu Mary Gates (mẹ của Bill Gates) và Karen Zuckerberg (mẹ của Mark Zuckerberg) là “Mẹ Hổ” thì họ không thể nào tán thành con trai mình bỏ học ở ĐH Harvard để theo đuổi giấc mơ lập công ty riêng và do đó chúng ta sẽ không có Microsoft và Facebook”.
Khi được hỏi nếu cho bạn năm điều để thay đổi mẹ hổ, bạn sẽ thay đổi những gì, Q.L mong muốn: “Mẹ hiểu suy nghĩ và mong ước của mình hơn; không áp đặt mong muốn của mẹ lên tương lai của mình vì mẹ có thể ở bên mình, nhưng không thể ‘sống hộ’ mình mãi được; tôn trọng quyết định của mình và tự hào về những quyết định đó vì những quyết định của mình, dù đúng hay sai cũng sẽ giúp mình trưởng thành hơn; không áp dụng kỉ luật khắc nghiệt khi dạy bảo mình, mình muốn cảm nhận được sự yêu thương của mẹ qua lời nói hơn là qua những kỉ luật sắt; cuối cùng mình ước mẹ hiểu “học không phải là tất cả”.
“Không ai có thể khẳng định cách giáo dục quá nghiêm khắc của những bà mẹ hổ sẽ tạo ra những người con ngoan và mọi cách giáo dục khác sẽ sản xuất ra những đứa con hư. Mặc dù giới trẻ luôn mong muốn được chứng tỏ cái “tôi” của bản thân nhưng không có nghĩa là họ sẽ phớt lờ mọi lời khuyên của bố mẹ, người thân – những người đi trước”, chuyên gia tâm lý Tuyết Anh của Trung tâm Tư vấn Tâm lý Linh Tâm nhận định.

2 Trackbacks to “Ai bảo Việt Nam không có mẹ hổ?”

Bình luận về bài viết này